Không có rừng, không có nhà mới đâu!
Anh Lý Văn Tình không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu nghề để nuôi sống gia đình. Trong làng, trong xã, ngoài xã, ai thuê gì, anh làm nấy, tất bật tối ngày, nhưng anh bảo, chưa khi nào thấy trong nhà có tiền. Ráo mồ hôi, nỗi lo cơm áo gạo tiền lại đè nặng lên đôi vai người đàn ông sinh năm 1985 này.
Căn nhà vợ chồng anh Tình ở nằm lọt dưới hủm. Gọi là nhà, nhưng anh Tình bảo, nó như cái chuồng chim thôi. Mỗi trận mưa lớn, nước ngập khắp nhà, mấy bố mẹ con lội bì bõm, có khi vừa tát nước vừa khóc thầm khi nghe ai đó trong làng đùa rằng, vợ chồng anh nên mua cá về thả cho khỏi tốn công tốn sức.
Lúc đấy, mơ ước lớn nhất đời anh là làm sao dựng được nếp nhà mới cao ráo để vợ con mình đỡ khổ. Anh Tình đến nhà Trưởng thôn Nguyễn Hồng Thái để hỏi chế độ hỗ trợ di dời nhà ra khỏi nơi nguy hiểm, nhưng qua nhiều lần xét, thẩm định, nhà anh không nằm trong tiêu chí được hỗ trợ.
Ngôi nhà vừa hoàn thành của anh Lý Văn Tình (bên phải ảnh).
Anh Tình có 6 ha rừng trồng từ năm 2014, 2015. Lúc trồng, anh chỉ nghĩ thôi trồng cái cây xuống để giữ đất, giữ nước. Nhưng năm 2022, rừng đến tuổi khai thác, cả khoảnh rừng cho thu mấy trăm triệu đồng, vợ chồng anh Tình như vỡ òa. Việc đầu tiên sau khi có tiền, anh Tình quyết định dựng lại ngôi nhà. Đất đổ đầy phía hủm, nâng nền căn nhà lên bằng với nền đường đi qua trước mặt, ngôi nhà như chiếc chuồng chim được thay bằng ngôi nhà mái Thái vững chãi, kiên cố. Ngồi tiếp khách trong căn nhà trị giá 600 triệu đồng vẫn còn ngai ngái mùi vữa, anh Tình cười: Ngôi nhà trong mơ đấy! Không có rừng không làm được nhà đâu!
Câu chuyện thoát nghèo của vợ chồng anh Lý Văn Tình trở thành câu chuyện truyền cảm hứng ở Roàng. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Hồng Thái cười tự hào, những hộ gia đình thoát nghèo nhờ trồng rừng, chăm rừng, yêu rừng như nhà anh Lý Văn Tình không hiếm đâu. Như nhà Triệu Đức Thái, Triệu Văn Huỳnh, Triệu Văn Đức, Trần Văn Tuyên, Lý Văn Sinh… Ở nhiều thôn, chuyện thoát nghèo có khi phải phấn đấu cả năm, nhưng đầu năm 2023, ở Roàng đã có 3 hộ gia đình thoát nghèo, là bởi vừa bán cả chu kỳ rừng, thu về vài trăm triệu đồng. Ông Thái bảo, mục tiêu từ nay đến cuối năm là sẽ “xóa sổ” ít nhất 3 hộ nghèo nữa, có khi còn hơn đấy, vì năm nay, lại một chu kỳ rừng nữa được khai thác rồi.
Để chứng minh sự đổi đời của người dân, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Hồng Thái dẫn khách đi một vòng quanh làng. Ở Roàng, giờ những ngôi nhà mái Thái, nhà vườn… không còn hiếm nữa. Cả thôn như khoác lên mình một dáng vẻ phố thị, dẫu ở nơi “thâm sơn cùng cốc” của xã Tân Tiến.
Thôn nhiều nhất
Thôn 1 tự hào là thôn nhiều nhất của xã Tân Tiến: Xa trung tâm xã nhất, nhưng cũng là thôn trồng rừng nhiều nhất với 436 ha và là thôn nhiều đầu xe ô tô nhất xã.
Ở Roàng, nhiều rừng nhất có thể kể đến nhà anh Phan Văn Đôn. Anh Đôn là người dân tộc Nùng. Trước đây, vợ chồng anh không bao giờ nghĩ có ngày mình đổi đời nhờ rừng, khi nghề chính của hai vợ chồng là thu mua lá dong đi bán khắp chợ trong, ngoài tỉnh. Đến khi Nhà nước có chính sách khuyến khích trồng rừng, hai vợ chồng mới bắt đầu chuyển nghề. Đất nhà khai phá đến đâu, cây rừng phủ xanh đến đấy.
Nhà nào không có nhu cầu trồng rừng, vợ chồng anh mua lại, rồi trồng liên doanh với lâm trường, cứ thế diện tích rừng nhân dần lên, từ vài ha, giờ đã có hơn 20 ha… Bán được gỗ, có tiền tái đầu tư, anh Đôn mua xe tải, vừa để tiếp tục chuyện buôn bán, vừa vận chuyển gỗ. Câu chuyện anh Đôn quyết mua ngôi nhà mới trị giá hơn 1,5 tỷ đồng trong chưa đầy một ngày như thể người ta đi mua mớ rau, con cá ở chợ vẫn được người dân ở Roàng truyền miệng, như một lời khẳng định, rằng từ rừng, nhà dân có tiền tỷ trong tay là chuyện không còn hiếm nữa!
Nhà anh Phan Văn Toàn cũng vừa mua chiếc xe tải từ tiền bán rừng. Cách làm của anh Toàn cũng giống như nhà anh Đôn, vừa liên doanh, vừa tự mua đất, khai phá…
Cả thôn Roàng được bao bọc bởi rừng.
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Hồng Thái nhẩm tính, ở Roàng, đã có 13 đầu xe ô tô tải - là thôn có nhiều đầu xe nhất xã Tân Tiến. Tất cả có được đều nhờ rừng.
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Hồng Thái cười bảo, thời điểm bán chu kỳ rừng đầu tiên là thời điểm mà Roàng giảm số hộ nghèo nhanh nhất. Đó là những năm 2019, 2020, cả thôn chỉ còn 5 hộ nghèo. Giờ, theo chuẩn nghèo đa chiều mới, ở Roàng còn 45 hộ nghèo, mức thu nhập bình quân đầu người của cả thôn đạt trên 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Khương Thị Thùy chia sẻ, những người dân ở Roàng yêu rừng như cha mẹ yêu con cái của mình vậy. Chẳng thế, mà giờ ở Roàng, không còn đất trống nữa, khoảnh rừng này vừa khai thác, cây giống đã được sẵn sàng cho vụ trồng rừng tiếp theo. Nhà học theo nhà, người học theo người, cứ thế, màu xanh nhân lên như phủ hết sự no ấm cho cả thôn cả bản mình.