Ông Hồ Ngọc Quang.
Hoàn cảnh gia đình ông đặc biệt khó khăn với 2 người con trai bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đều bị mù lòa từ khi lọt lòng. Gần 40 năm qua, ông luôn nỗ lực vượt lên số phận, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Ghi nhận những đóng góp của ông Hồ Ngọc Quang, UBND huyện Yên Sơn đề nghị ông là cá nhân tiêu biểu được Hội nghị gặp mặt người có uy tín và lực lượng cốt cán tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang năm 2023.
Ông Quang từng là cán bộ Văn hóa - xã hội của xã, nghỉ hưu năm 2016. Năm 2019, thôn 5 gồm thôn 8, thôn 9 sáp nhập lại với 150 hộ dân, đa phần là đồng bào dân tộc Tày. Ông Quang vốn là người uy tín của thôn 9 nhiều năm liền, nay ông tiếp tục được người dân bầu là người có uy tín của thôn mới. Ông chia sẻ, ông luôn nhận thức bản thân là người có uy tín nên phải phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những năm qua, ông đã tham mưu cho chi ủy, chi bộ lãnh đạo, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Riêng trong năm 2022, ông Quang cùng lãnh đạo thôn làm tốt vai trò tập hợp quần chúng nhân dân, vận động nhân dân đóng góp làm tuyến đường “Thắp sáng đường quê” trị giá trên 60 triệu đồng, dài 2 km; bê tông hóa trên 1.000 m đường nông thôn, trị giá 120 triệu đồng. Ban Công tác Mặt trận thôn tích cực vận động nhân dân hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế như trồng rừng, chăn nuôi thủy sản.
Là thành viên của tổ hòa giải của thôn, những năm qua, ông Quang “mát tay” trong hòa giải thành nhiều vụ việc hóc búa, tồn đọng kéo dài không giải quyết được nhưng đến nay, các vụ việc cơ bản được giải quyết, không có tình trạng khiếu nại vượt cấp. Để làm tốt công tác hòa giải, ông Quang thường xuyên, chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ông đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, tìm ra hướng giải quyết. Đặc biệt, ông luôn vận dụng những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, những quy ước của khu dân cư, sau đó tiến hành gặp gỡ các bên để hòa giải. Có những vụ việc, ông chỉ gọi điện thoại là hòa giải xong, cũng có trường hợp phải đi lại nhiều lần.
“Tôi luôn coi công việc của thôn như việc của nhà mình, khi nào xong việc mới nhẹ lòng. Đó là động lực để tôi phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín, góp sức nhỏ xây dựng quê hương” - Ông Quang bày tỏ.